Điều kiện tự nhiên tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 4379

Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc; phía Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, có đường biên giới dài trên 333 km; phía Tây giáp với tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn và phía Đông Nam giáp tỉnh Lạng Sơn. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh 6.724,6 km2, bằng 2,12% diện tích tự nhiên toàn quốc; đất nông nghiệp chiếm hơn 9%; đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối chiếm hơn 90%. Dân số toàn tỉnh theo Niên giám Thống kê năm 2021 có 537.978 người; trong đó dân tộc Tày chiến 40,97%; Nùng 31,08%; Mông 10,13%; Dao 10,08%, kinh 5,76%; Sán Chỉ 1,39%; Lô Lô 0,47%; dân tộc khác 0,09 %.

 

 

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc anh em (Nguồn ảnh: theo caobangtv.vn)

Đặc điểm tự nhiên đồi núi phong phú, đa dạng, chiếm hơn 90% diện tích của tỉnh, nên mạng lưới sông, suối, hồ tự nhiên khá nhiều, song phân bổ không đồng đều. Hệ thống các con sông chảy theo hướng chính là Tây Bắc – Đông Nam và Bắc – Nam; lưu lượng dòng chảy thay đổi theo mùa, các hệ thống sông chính là: Bằng Giang, Quây Sơn, Sông Gâm, Bắc Vọng. Cao Bằng có 2 hồ tự nhiên là hồ Đồng Mu, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc; Hồ Thang Hen ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh cũ (nay thuộc huyện Quảng Hòa theo Nghị quyết 897/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV). Ngoài ra còn có một số hồ nhân tạo và nhiều con suối là phụ lưu của các hệ thống sông của tỉnh, phân bổ dày đặc, là tài nguyên quý giá trong đời sống sản xuất của đồng bào các dân tộc ở các vùng thượng lưu.

Khí hậu Cao Bằng mang tính nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao và có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc. Cao Bằng là cửa ngõ đón gió mùa Đông Bắc từ Trung Quốc tràn sang vào mùa Đông và chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam vào mùa Hè.  Nhìn chung khí hậu Cao Bằng mát mẻ quanh năm tạo nhiều lợi thế để phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như hạt dẻ, thuốc lá, gạo nếp, lạc, chè, trúc, hồi, miến dong, dược liệu…

 Về du lịch, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen.., và nhiều di tích lịch sử như: di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, di tích chiến thắng chiến dịch Biên giới năm 1950.

 Về đơn vị hành chính: Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng gồm: Nghị quyết 864/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết 897/NQ-UBTVQH14 ngày 11/02/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 09/9/2019 của HĐND tỉnh Cao Bằng về sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố trên địa tỉnh. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có tổng số 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Cao Bằng, các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang. Có 161 xã, phường, thị trấn; có 07 huyện nghèo nhất cả nước theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 về phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 và 996 thôn đặc biệt khó khăn, trong đó: 33 xã, phường thuộc khu vực I có 43 thôn đặc biệt khó khăn; 04 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực II có 15 thôn đặc biệt khó khăn; 124 xã thuộc khu vực III có 938 thôn đặc biệt khó khăn.

 

 D.L





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1