Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Lượt xem: 493

Sáng 15/9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chủ trì có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thục.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Lương Tuấn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. 

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước, đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng áp dụng luật là cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; người sử dụng đất; các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.

Tại Hội nghị, có 18 ý kiến phát biểu của các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các hội đồng tư vấn, đại biểu các tỉnh, thành trong cả nước với những nội dung bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), bám sát thực tiễn, tuân thủ hiến pháp, cơ bản phân tích, giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, bước đầu tạo niềm tin về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, các đại biểu tập trung phản biện và đề xuất hoàn thiện các nội dung: Việc thể chế những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự phù hợp của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hiến pháp và các luật khác có liên quan; thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; các quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh…

Đa số các đại biểu cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và quyền chủ thể và nghĩa vụ của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Các đại biểu đề nghị thể chế hóa quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong việc tham gia vào lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt. Bên cạnh đó, quy định rõ nhiệm vụ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội.

Về nội dung giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phạm vi cần lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, Điều 46 quy định cụ thể hơn về phương thức, cách thức tham vấn ý kiến người dân. Do vậy, đề nghị quy định về việc người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp đến từng hộ gia đình, hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân.  

Đối với nội dung về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các đại biểu nhấn mạnh cần cụ thể hóa các tiêu chí, điều kiện khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về việc lấy ý kiến và phản hồi ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; bổ sung quy định chi tiết về phương án cưỡng chế, xác định trách nhiệm của từng chủ thể và quy định chi tiết xử lý sai phạm trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, các đại biểu đề nghị phân định rõ các trường hợp được áp dụng, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thâu tóm đất đai trong quá trình thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bởi dự án luật này không chỉ là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân mà còn là một luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của nhân dân.

Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Hội nghị mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội...

Theo baocaobang.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1