Kỷ niệm 118 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (01/6/1904 - 01/6/2022)
Lượt xem: 551
 
Đồng chí Hoàng Đình Giong (1904-1947) người con ưu tú của quê hương cách mạng Cao Bằng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao, anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và là tấm gương sáng của người cộng sản mẫu mực cho các thế hệ sau học tập, noi theo.
Tuổi trẻ dấn thân vì sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 01/6/1904 trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ngay từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong rất yêu thích các câu chuyện lịch sử, thường chăm chú lắng nghe các cụ già trong làng kể chuyện về những nhân vật anh hùng chống giặc ngoại xâm, những cuộc nổi dậy của nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng địa phương.
Khi học tại trường tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Cao Bằng, Hoàng Đình Giong được biết tới là cậu học trò thông minh, chăm chỉ và luôn trong tốp học sinh đứng đầu lớp. Khi học lớp nhất, Hoàng Đình Giong được tiếp xúc với thơ ca yêu nước, như: Chiêu hồn nước, Lưu cầu huyết lệ tân thư... Qua những áng thơ văn đó, Hoàng Đình Giong đã nâng cao hiểu biết về mọi mặt, đặc biệt là được hun đúc thêm lòng yêu nước và ý chí căm thù bọn thực dân cướp nước. Hoàng Đình Giong thường tuyên truyền, vận động nhiều bạn học cùng ghét Tây, góp phần làm cho không khí căm ghét thực dân Pháp ở thị xã Cao Bằng ngày một lan rộng. Thực dân Pháp và tay sai đánh hơi thấy đã chỉ đạo nhà trường ra một số bài văn để thăm dò tư tưởng học sinh lớp nhất. Vì không kìm nén được lòng căm thù giặc, những bài văn của Hoàng Đình Giong thường bộc lộ tư tưởng yêu nước, chống thực dân Pháp. Chính vì vậy, Hoàng Đình Giong bị ghi vào “Sổ đen” của nhà trường, đến mức khi thi tốt nghiệp tiểu học, mặc dù các bài thi đều làm tốt nhưng Hoàng Đình Giong vẫn bị đánh trượt.
Rời trường tiểu học Pháp - Việt, Hoàng Đình Giong về quê dạy học cho học sinh ở xã vùng cao Yên Luật (nay thuộc thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng), bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu nước và ý chí căm thù thực dân Pháp.
Năm 1925, Hoàng Đình Giong xuống Hà Nội học trường Bách Nghệ. Tháng 3-1926, hòa chung với phong trào yêu nước của học sinh trường Bách Nghệ, Hoàng Đình Giong tích cực tham gia phong trào bãi khóa đòi tổ chức tang lễ và truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Sau khi phong trào bị đàn áp, Hoàng Đình Giong cùng một số học sinh khác bị đuổi học, anh trở lại Cao Bằng để tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh và các tầng lớp nhân dân.
Sau khi nhận được giấy giới thiệu về việc tham dự các lớp huấn luyện chính trị ở nước ngoài của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hoàng Đình Giong và một số thanh niên quyết định xuất dương. Đầu Thu 1927, Hoàng Đình Giong và Ninh Văn Phan đi Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Tháng 11-1927, Hoàng Đình Giong bắt được liên lạc với Bùi Ngọc Thành - cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu và tham dự lớp huấn luyện chính trị do Hội tổ chức. Sau khi kết thúc khóa học, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên(1), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.
Nhờ hoạt động tích cực và có kết quả, tháng 12-1929, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử làm Bí thư Chi bộ Long Châu, có nhiệm vụ xây dựng và chỉ đạo các tổ chức cách mạng ở vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Hoàng Đình Giong trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, ngày 1-4-1930, chi bộ Đảng đầu tiên của Cao Bằng được thành lập. Sau cao trào cách mạng 1930-1931, dưới sự khủng bố ác liệt của thực dân Pháp, cách mạng chịu nhiều tổn thất và lâm vào thoái trào. Tháng 11-1931, đồng chí Lê Hồng Phong được Quốc tế Cộng sản cử về hoạt động ở Đông Dương để tái lập Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng. Tháng 4-1932, đồng chí Hoàng Đình Giong gặp đồng chí Lê Hồng Phong tại Long Châu, được bồi dưỡng lý luận cách mạng và thấu suốt chủ trương của Quốc tế Cộng sản.
Đầu năm 1933, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử về Hải Phòng hoạt động nhằm gây dựng lại các tổ chức Đảng ở thành phố cảng và vùng mỏ Đông Bắc. Với những hoạt động tích cực của đồng chí, hàng loạt các chi bộ Đảng tại Hải Phòng được tái lập, trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Hải Phòng, đặc biệt là khu vực Cảng, Nhà máy Xi măng, Nhà máy Ca rông, làng Lạc Viên, vùng nông thôn Kiến An. Tại vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, đồng chí Hoàng Đình Giong đã chỉ đạo trực tiếp khôi phục các chi bộ Đảng, như Chi bộ Uông Bí - Vàng Danh, Chi bộ Nhà máy kẽm Quảng Yên...
Cuối năm 1934, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử là một trong hai đại biểu đại diện cho Xứ ủy Bắc Kỳ đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, được tổ chức tại Ma Cao, Trung Quốc. Tháng 3-1935, tại Đại hội, đồng chí được cử là Ủy viên Ban Chấp hành rồi Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng.
Người cộng sản kiên trung, bất khuất
Sau Đại hội I của Đảng, đồng chí Hoàng Đình Giong trở về nước chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng, sau đó xuống vùng duyên hải Bắc Bộ. Đồng chí bị thực dân Pháp săn lùng ráo riết và bị địch bắt tại Hàng Kênh (Hải Phòng) ngày 2-4-1936. Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ dọa nạt, dụ dỗ mua chuộc, đến tra tấn hết sức dã man, song chúng đều thất bại. Đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Đồng chí đã trả lời đanh thép trước mặt tên Chánh Sở Mật thám Hải Phòng rằng: “Chúng tôi sống và chiến đấu vì mục đích cao cả là đánh đuổi bọn xâm lược giành lại giang sơn đất nước. Chúng tôi không đánh nước Pháp văn minh, không đánh nhân dân Pháp yêu tự do, công bằng, bác ái mà chỉ đánh bọn thực dân xâm lược Pháp thôi. Chúng tôi đứng lên đấu tranh vì quyền lợi chính đáng và sự sống còn của dân tộc mình. Trong cuộc chiến đấu mất còn giữa chúng tôi những người mất nước và các ngài những kẻ cướp nước, việc tôi bị bắt, hy sinh vì sự nghiệp chính nghĩa là lẽ thường. Chúng tôi có ngã xuống cũng làm nên những viên đá lát đường cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc tôi đi đến đài vinh quang của chiến thắng. Các ngài chắc đã nghe được câu nói bất hủ của nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực của chúng tôi: “Bao giờ đất này hết cỏ thì Việt Nam mới hết người đánh Tây”(2).
Không khuất phục được ý chí của người cộng sản Hoàng Đình Giong, thực dân Pháp lại đưa đồng chí lên giam tại xà lim Cao Bằng và thường xuyên bị áp giải giữa Cao Bằng - Hải Phòng để đối chất với số các đồng chí bị chúng bắt. Ngày 27-5-1936, đồng chí Hoàng Đình Giong bị tòa án thực dân đưa ra xét xử, kết án 5 năm tù. Sau phiên tòa, đồng chí bị đưa về Hà Nội lấy cung, sau đó bị đày lên nhà tù Sơn La năm 1937(3). Tại nhà tù Sơn La, cuối tháng 12-1939, đồng chí Hoàng Đình Giong tham gia thành lập chi bộ trong tù gồm 10 người do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Thực hiện các nhiệm vụ do Chi bộ phân công, đồng chí Hoàng Đình Giong tổ chức cho anh em tù nhân học tập chính trị, văn hóa, nghe truyền đạt Nghị quyết Đại hội I của Đảng; tổ chức anh em tù nhân tuyệt thực, đấu tranh trực diện với kẻ thù... Mỗi lần có đồng chí nào được thả về, đồng chí Hoàng Đình Giong dành tất cả tình cảm tin yêu dặn dò cặn kẽ cách đề phòng sự mua chuộc, cám dỗ của địch, giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Sau khi chuyển đồng chí Hoàng Đình Giong từ nhà tù Sơn La về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), lên nhà tù Bắc Mê (Hà Giang) rồi trở lại nhà tù Sơn La, thực dân Pháp quyết định đày ải đồng chí Hoàng Đình Giong và một số đồng chí khác ra đảo Nôxilava (Mađagátxca), một thuộc địa xa xôi của Pháp ở châu Phi. Tại đảo Nôxilava, Hoàng Đình Giong và các đồng chí đảng viên cộng sản kiên định lập trường, ý chí cách mạng, tích cực lao động, trồng rau, chăn nuôi, cải thiện bữa ăn, gây được thiện cảm với bọn lính quản trại và người dân trên đảo. Ngoài thời gian lao động, đồng chí Hoàng Đình Giong còn dạy chữ, thảo luận về triết học, kinh tế và sinh hoạt chính trị.
Tháng 7-1941, thực dân Pháp tiếp tục đưa đến đảo Nôxilava một đoàn tù thứ hai, gồm 16 người (cả tù cộng sản và thân Nhật) từ Sài Gòn sang. Từ đó, nội bộ tù chính trị trở nên phức tạp. Trước tình hình đó, Hoàng Đình Giong bàn với các đồng chí chủ trương không tranh luận về chính trị với số tù chính trị thân Nhật, không bài xích họ, cô lập họ mà giúp đỡ họ, bằng lý luận và thực tiễn cuộc sống để từng bước cảm hóa, thuyết phục họ. Nhờ bản lĩnh, vốn hiểu biết về lịch sử dân tộc, về lý luận cách mạng, qua thực tế cuộc sống hàng ngày và trong sinh hoạt hội họp, đồng chí Hoàng Đình Giong đã làm cho những người tù thân Nhật từ chỗ xa cách, dè chừng đến gần gũi, nể phục đồng chí và những bạn tù cộng sản.
Mùa Hè năm 1942, sau khi Chính phủ Pê tanh đầu hàng dâng nước Pháp cho phát xít Đức, quân Anh đã chiếm được Mađagátxca và kiểm soát trại tù chính trị Việt Nam tại đây. Năm 1943, sau chiến thắng lớn của Hồng quân Liên Xô ở Xtalingrát, phe Đồng minh Mỹ, Anh, Pháp (Đờ Gôn) càng khẩn trương đẩy mạnh mặt trận chống phát xít ở châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, phe Đồng minh muốn lợi dụng những tù chính trị ở đây về nước hoạt động cung cấp tài liệu quân sự của phát xít Nhật ở Việt Nam cho họ. Sau khi xem xét, tình báo Anh chọn 7 trong số 27 tù nhân ở đây đi huấn luyện nghiệp vụ rồi cho về nước làm việc cho Đồng minh, trong đó có Hoàng Đình Giong.
Tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng
Cuộc đời hoạt động của đồng chí Hoàng Đình Giong đã nêu tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí đã luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng của người chiến sĩ cộng sản, vượt qua mọi gian nguy, thử thách.
Từ chốn lao tù đế quốc xa xôi trở về đất nước, đồng chí Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng phân công cùng Tỉnh ủy Cao Bằng xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi. Trong khi nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Cao Bằng đang dồn sức chống quân Nhật thì bọn phỉ khét tiếng “Lằm Tìn, Lằm Pắn Nhì kéo từ Trung Quốc sang Thông Nông mưu chiếm đất củng cố chỗ đứng chân để đánh phá chính quyền cách mạng”(4). Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Đình Giong đã đưa ra đề xuất: Dù họ là người Việt hay người Hoa, phần lớn đều do hoàn cảnh nào đó xô đẩy vào con đường cướp bóc, trước hết ta dùng cách đánh “mưu phạt tâm công” đánh vào lòng người, thức tỉnh nhân tính trong họ, phân tích rõ phải, trái cho họ, cảm hóa, thuyết phục họ về với cách mạng, với con đường làm ăn lương thiện; mặt khác, dựa vào cơ sở trong dân bố trí cho trinh sát luồn sâu, nắm vững bố phòng và hoạt động của bọn cầm đầu trong hang ổ của chúng. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã gửi thư chiêu dụ tới họ. Chỉ trong thời gian ngắn, nội bộ bọn phỉ chia rẽ, hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho quân ta hàng phục và tiêu diệt hoàn toàn.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tháng 10-1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chỉ huy bộ đội Nam tiến vào miền Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên cương vị là Khu bộ trưởng Khu 9, đồng chí Hoàng Đình Giong đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực tuyên truyền cách mạng, diệt ác, trừ gian, phá đường sá, cầu cống, khôi phục phong trào kháng chiến.
Từ đầu năm 1946, thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền chia rẽ, gây hận thù dân tộc, tôn giáo, kích động người Khmer chống lại người Việt, kích động tín đồ Cao Đài, Hòa Hảo chống lại cách mạng, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo và lòng tin của họ đối với chính quyền cách mạng. Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Đình Giong đích thân đi kiểm tra tình hình một số địa phương. “Đồng chí Hoàng Đình Giong đã đến vùng Phước Long kiểm tra tình hình, ra lệnh thả ngay tất cả đồng bào Khmer bị địa phương giam giữ, làm công tác giáo dục sâu rộng trong cán bộ, trong đồng bào Việt và Khmer về âm mưu chia rẽ của địch. Đồng chí đã có công hòa giải được cuộc xung đột, tăng cường đoàn kết kháng chiến”(5). Với bản lĩnh, kinh nghiệm trong quá trình hoạt động cách mạng, mỗi khi được biết có vụ bắt oan, xử lý không đúng, đồng chí Hoàng Đình Giong liền ra lệnh thả ngay số đồng bào Khmer bị bắt, ngăn chặn không để các cuộc xô xát tiếp diễn. Đồng thời, đồng chí phân tích, giải thích cho cán bộ cơ sở hiểu được hậu quả sâu xa của việc làm trên, về âm mưu nham hiểm của kẻ thù. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Nam Bộ, nhất là đồng bào Khmer.
Chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức, tháng 11-1946, đồng chí Hoàng Đình Giong lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Tháng 1-1947, ra đến Khu 6, đồng chí được đề nghị ở lại hoạt động và được cử làm Khu bộ trưởng Khu 6, chỉ huy các lực lượng vũ trang Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận (tháng 5-1947) trong một trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù.
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Hoàng Đình Giong đã mang hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí trở thành tấm gương sáng về ý chí cách mạng, lòng trung thành, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức, kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của cách mạng cho các thế hệ sau học tập, noi theo.
_______________
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930-2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.32-33.
(2) Tỉnh ủy Cao Bằng: Hoàng Đình Giong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904-1947), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.85.
(3) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Nguyễn Lương Bằng - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 97.
(4) Cao Bằng lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng 1930-1954, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng xuất bản, 1990, tr.71.
(5) Thượng tướng Trần Văn Trà: Chiến tranh nhân dân khởi đầu từ Nam Bộ như thế, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.99-100.
Tác giả: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi; Tiến sĩ Đinh Ngọc Quý (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Infographic: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng.
Dẫn nguồn: Phòng PX03
Tin khác
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang