Kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo
Lượt xem: 351

Trong năm 2020, lực lượng Công an trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT). Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp xây dựng văn bản, triển khai nội dung của Luật quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Luật quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể quần chúng nhân dân. 

Kết quả lực lượng Công an tỉnh đã tiến hành tuyên truyền 496 buổi, 531 lượt với 59.337 người tham gia. Tiến hành cho ký cam kết không tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với 19.948 người dân, cam kết không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ đối với các hộ kinh doanh, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên chức. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị địa phương nếu buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo triển khai và để sách để xảy ra tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo và các quy định cấm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Theo đó, Công an tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo, làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn đối tượng; huy động tối đa lực lượng tăng cường xuống địa bàn cơ sở, bám sát địa bàn để nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo.

Kết quả từ ngày 01/01/2020 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện bắt giữ 12 vụ /16 đối tượng, thu giữ 2564,4 kg pháo hoa nổ và pháo nổ nhập lậu (xử lý hình sự 06 vụ/07 đối tượng; đang điều tra, xác minh làm rõ 03 vụ/05 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 03 vụ/04 trường hợp = 19.500.000 đ).

D:\2021\HA QUANG\IMG_5769.Phao.jpg


Tang vật Pháo hoa nổ và pháo nổ nhập lậu thu giữ


D:\2021\HA QUANG\IMG_5770.Phao 2.jpg


Trên cơ sở chỉ đạo của Công an tỉnh, công an các đơn vị tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hỗ trợ lực lượng công an bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, huy động tối đa lực lượng, vũ khí, phương tiện, trang bị kĩ thuật, sẵn sàng tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; trong đó lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chủ trì và thực hiện công tác này. 

Theo lực lượng chức năng nhận định, hiện nay càng cận kề đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo trái phép trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Với chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nhất là các hành vi bị nghiêm cấm sau:

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

4. Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không đảm bảo an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

6. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

7. Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

8. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện, cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

9. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Những tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm hành chính về quản lý, sử dụng pháo bị xử phạt theo Nghị định số 167/NĐ-CP của Chính phủ

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi Sử dụng    các loại pháo mà không được phép.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm; Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Đối với các hành vi đốt pháo nổ như: Đốt pháo nơi công cộng, nơi đang diễn ra cuộc họp, nơi tập trung đông người; đốt pháo ném ra đường, ném vào người khác, ném vào các phương tiện đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy; Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo; Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm: người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Đối với các hình vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ sẽ bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

+ Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

+ Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 10 năm.

+ Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

Để vui Xuân, đón Tết an toàn, mọi người cần phải thực hiện nghiêm túc Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo và tích cực tham gia tố giác, thông báo với cơ quan chức năng về các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; pháo hoa nổ, thuốc pháo.

Các tổ chức, cá nhân và người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm tránh vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. 

Qua đó, tạo sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép…Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện cho nhân dân vui Tết, đón Xuân an toàn.


Hoàng Nguyễn


Hoàng Nguyễn
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang