Ngày đêm may áo chống sốc nhiệt chi viện y, bác sĩ tuyến đầu
Lượt xem: 342

Nỗi lo sốc nhiệt trong khi làm nhiệm vụ của các y, bác sỹ Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang đã giảm bớt phần nào, bởi họ đã có những chiếc áo chống sốc nhiệt của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an sáng chế, gửi tặng.

Sau những ngàymưa giông, Bắc Giang lại bắt đầu chuỗi ngày nắng nóng như đổ lửa. Thời tiết oi bức, có những hôm gần 40 độ C nhưng với các y, bác sỹ Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang, nỗi lo sốc nhiệt trong khi làm nhiệm vụ đã giảm bớt phần nào, bởi họ đã có những chiếc áo chống sốc nhiệt do các y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an sáng chế, gửi tặng.

Sáng chế hay giúp nhân viên y tế chống sốc nhiệt những ngày nắng nóng

Vừa trút vội bộ trang phục bảo hộ y tế sau ca trực, Đại úy Vũ Văn Út, Phó trưởng Khoa Nội – hô hấp và Đại úy Nguyễn Huy Cường, Khoa Điều trị cao cấp, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cùng chia sẻ, thời tiết nắng nóng, làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ y tế kín mít khiến các anh và nhiều nhân viên y tếkiệt sức vì mất nước, đổ nhiều mồ hôi do nóng nực, trước đó, từng xảy ra tình trang một số y, bác sĩ bị choáng, ngất xỉu vì sốc nhiệt ở Bệnh viện Da chiến số 2 Bắc Giang. Từ ngày được trang bị áo chống sốc nhiệt, các anh và đồng đội đã dễ chịu hơn phần nào mỗi khi vào ca trực.

Cùng chung cảm nhận với Đại úy Vũ Văn Út và Đại úy Nguyễn Huy Cường, chị Bùi Thị Phương Thủy, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện sản nhi Bắc Giang cho hay, một trong những thử thách khắc nghiệt nhất đối với các y, bác sĩ chính là thời tiết oi bức, nhất là thời điểm những ngày đầu Bệnh viện Dã chiến số 2 mới đi vào hoạt động. 

Nhiều hôm đỉnh điểm lên tới trên 400C, trong khi các y, bác sĩ phải hàng giờ gồng mình trong bộ quần áo bảo hộ kín mít. Ngột ngạt của thời tiết, lại thêm áp lực cường độ công việc cao, bệnh nhân đông khiến một số y, bác sĩ kiệt sức, sốc nhiệt ngất xỉu. 

Nhưng rất may, thời gian vừa qua, Bệnh viện Y học cổ truyền đã có sáng kiến may áo chống sốc nhiệt kịp thời gửi tặng các nhân viên y tế của Bệnh viện Dã chiến số 2. Áo rất hiệu quả trong hỗ trợ làm mát, giúp các y, bác sĩ yên tâm trong khi làm nhiệm vụ. 

Chia sẻ cảm nhận khi sử dụng áo chống sốc nhiệt, chị Thủy cho biết: “Những hôm nắng nóng như hôm nay, nếu không có chiếc áo chống sốc nhiệt hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ thì quả là cực hình.  Áo rất hiệu quả trong việc điều hòa thân nhiệt, giảm nóng, tạo cảm giác mát, dễ chịu khi mặc bên trong bộ đồ bảo hộ y tế. Từ ngày sử dụng áo chống sốc nhiệt, em thấy dễ chịu hơn nhiều” - Phương Thủy cho hay.

http://static.cand.com.vn/Files/Image/nguyenbinh/2021/06/24/thumb_660_6a314c7b-a745-4e22-a056-b48ed8592c16.jpg

Các y bác sĩ mặc áo chống sốc nhiệt thể hiện quyết tâm chống dịch.

Anh Nguyễn Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Yên Thế, và cũng là trưởng kíp 3 của Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang nhận định, đợt này nắng nóng cũng gắt gao chẳng kém gì những ngày đầu mới vận hành Bệnh viện Dã chiến. 

Anh Nam cho biết, qua tham khảo ý kiến đánh giá của một số y, bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến sử dụng áo chống sốc nhiệt do Bệnh viện Y học cổ truyền chuyển lên, đa số mọi người đều khẳng định áo có hiệu quả tốt trong việc hạ nhiệt, giúp nhân viên y tế dễ chịu hơn trong khi làm nhiệm vụ. Trân trọng cảm ơn Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã có sáng kiến hay, động viên rất kịp thời cả về vật chất, tinh thần cho cán bộ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Phòng họp giao ban thành “xưởng may dã chiến”

Chúng tôi tìm đến Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an vào giữa trưa trung tuần tháng 6, căn phòng họp giao ban rộng chừng hơn 40m² của Khoa Chống nhiễm khuẩn lúc này đã biến thành “xưởng may dã chiến”. 

Tất cả 13 chị em Khoa Chống nhiễm khuẩn đang tíu tít, bận rộn với lô áo chống sốc nhiệt đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị tiếp viện Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang. 

Đang thời điểm gấp rút, dù công việc chuyên môn rất bận rộn nhưng Thượng tá Hoàng Thị Ngọc Hoàn, Trưởng Khoa Chống nhiễm khuẩn vẫn tranh thủ hỗ trợ các chị em sớm hoàn thành lô áo. 

Xung quanh chiếc bàn rộng đặt giữa phòng họp giao ban, Thiếu tá Đỗ Thị Nguyệt Hương, Phó trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn cũng đang cùng một nhóm chị em khẩn trương gấp những chiếc áo chống sốc nhiệt đã hoàn thiện, tỉ mỉ đóng gói thành từng bộ thành phẩm. 

Cách đó không xa, chị Hà Thị Thanh vẫn cặm cụi may nốt những chiếc áo cuối cùng, tiếng máy may chạy sè sè lúc này nghe vui tai lạ. Tất cả mọi người đều tất bật khẩn trương, với quyết tâm sớm hoàn thiện những chiếc áo chống sốc nhiệt, gửi chi viện Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang cho kịp thời.

Dùng con dao sắc lẹm rạch cuộn xốp tráng bạc thành từng tấm nhỏ có kích thước đều nhau, Đại úy Phạm Thị Hòa, một trong 2 tác giả của sáng kiến áo chống sốc nhiệt chia sẻ, trong quy trình làm áo chống sốc nhiệt, có lẽ khó nhất chính là công đoạn cắt xốp. 

Để có được những tấm xốp cách nhiệt đạt chuẩn, thay vì dùng kéo, các chị em đều phải dùng dao để rạch. Nếu rạch không chuẩn, những vết cắt không trơn tru, khi mặc áo, xốp cách nhiệt cọ vào người sẽ gây khó chịu; cắt sai kích thước, miếng xốp quá to, khi cho đá khô vào sẽ không đóng được miệng túi; nếu miếng xốp quá nhỏ, khi sử dụng áo, xốp bị đẩy lên, đẩy xuống khiến túi đá khô áp thẳng vào người, nhân viên y tế sẽ bị lạnh.

http://static.cand.com.vn/Files/Image/nguyenbinh/2021/06/24/thumb_660_8cb31845-1359-45b3-be88-3ed6d708f924.jpg

Hành lang tầng 12 Khoa Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Y học cổ truyền được trưng dụng thành địa điểm tập trung cắt xốp cách nhiệt.

Thượng úy Lê Thị Hoà, người nghĩ ra ý tưởng ban đầu về áo chống sốc nhiệt chia sẻ, những ngày đầu đồng đội vào tâm dịch chi viện Bắc Giang, thời tiết nóng bức khiến một số y, bác sĩ ngất xỉu vì sốc nhiệt. 

Thương đồng đội, Hoà trăn trở suy nghĩ làm cách nào để giúp hạ thân nhiệt cho các nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ. Thế rồi ý tưởng về chiếc áo chống sốc nhiệt bắt đầu nhen nhóm trong đầu. 

Trong giờ nghỉ trưa, Lê Thị Hòa đem ý tưởng về chiếc áo chống sốc nhiệt trao đổi với cô bạn đồng nghiệp Phạm Thị Hoà. Hai người sôi nổi bàn thảo, mỗi người đóng góp một ý kiến, thế rồi hình mẫu về chiếc áo chống sốc nhiệt đầu tiên được hình thành. 

Nghĩ là làm, Lê Thị Hòa và Phạm Thị Hòa bắt đầu suy nghĩ lựa chọn chất liệu áo đảm bảo mát, độ khuyếch tán nhiệt tốt nhất, bàn về cách bố trí các túi đựng đá khô trên áo làm sao hợp lý, hiệu quả và thuận tiện nhất cho hoạt động của các nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ. 

Từ ý tưởng cho đến khi mày mò làm ra sản phẩm mẫu đầu tiên đã mất trọn gần 3 ngày. Áo được thiết kế đơn giản gồm thân áo lưới ba lỗ, chất liệu thoáng mát, phần thân áo được may 4 túi đựng đá khô, các túi đá có trọng lượng 500g được bọc bởi một lớp xốp cách nhiệt để tránh đá lạnh tiếp xúc trực tiếp lên da và đặt trong túi zip để chống nước. 

Khi sử dụng, áo chống sốc nhiệt được mặc bên trong lớp áo bảo hộ y tế phòng dịch, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể cho các nhân viên y tế, làm mát cơ thể, tránh tình trạng sốc nhiệt khi thời tiết quá nóng.

Nhận thấy đây là sáng kiến rất hữu ích, nhất là trong thời điểm “ nước sôi, lửa bỏng” của cuộc chiến chống dịch COVID -19, lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền đã khẩn trương đánh giá hiệu quả, nghiệm thu đề tài, nhanh chóng đưa vào sản xuất, cấp phát cho các cán bộ y tế tuyến đầu ở các địa bàn phức tạp về dịch, trong đó có Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nghệ An...

Ngay sau khi được lãnh đạo Bệnh viện thông qua, toàn bộ các cán bộ y tế Khoa Chống nhiễm khuẩn đã khẩn trương cùng chung tay vào cuộc. Phòng họp giao ban trở thành “xưởng may dã chiến” ngay trong đêm. 

Các y bác sĩ trở thành thợ may, thiết kế, nhà ai có máy móc, thiết bị dùng được đều được huy động, mang đến để thực hiện sản phẩm một cách nhanh nhất. 

Vậy là, chỉ trong vòng 3 ngày đêm nỗ lực không ngơi nghỉ, hơn 60 chiếc áo chống sốc nhiệt đầu tiên đã nhanh chóng được hoàn thành, gấp rút chuyển tới Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang cùng nhiều loại thuốc đông y do Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an tự điều chế để hỗ trợ chống dịch.

Theo Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, không chỉ nghiên cứu, làm áo chống sốc nhiệt để kịp thời chuyển tới hỗ trợ các y, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang, tính đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã sản xuất và cung ứng miễn phí tổng cộng 800 bộ áo chống sốc nhiệt cho một số đơn vị y tế các địa phương và của Bộ Y tế, nhằm hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, đã được nhiều cơ sở y tế các địa phương đánh giá cao.

Tác giả bài viết: Tâm Phạm

Nguồn: cand.com.vn


Minh Hoàng
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang