Kiện toàn lực lượng, phát huy vai trò nhân dân trong bảo vệ ANTT ở cơ sở
Lượt xem: 1142

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học khi tham gia đóng góp ý kiến về cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở - dự án Luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng, soạn thảo.

Việc xây dựng và ban hành Luật không dẫn đến thành lập lực lượng mới. Đồng thời, dự án Luật được thông qua sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Không thành lập lực lượng mới

Theo Bộ Công an, dự án Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng đang cùng hoạt động trên địa bàn cấp xã thành 1 lực lượng với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Hiện nay, toàn quốc có 103.568 thôn, tổ dân phố; 72.362 người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố; 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở; 19.390 Công an xã bán chuyên trách đang xem xét giải quyết chế độ, chính sách và 128.664 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Như vậy, tổng số người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng là khoảng 300.000 thành viên và khi kiện toàn thống nhất sẽ có khoảng 300.000 thành viên hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở.

Chia sẻ ý kiến về dự án Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, Đại tá, PGS.TS Trần Nam Chuân, nguyên Cán bộ Viện chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho rằng, dự án Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được xây dựng trên cơ sở điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động ở địa bàn cơ sở trên toàn quốc để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung mà không phải là thành lập lực lượng mới.

Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TƯ ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia; Chỉ thị số 09/CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 1/8/2017 của Đảng ủy Công an Trung ương về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về ANTT đến năm 2020, định hướng năm 2030 đã đề ra nhiệm vụ xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở cơ sở”. Nhiều nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hiện nay có tác động đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, xây dựng Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là để cụ thể hóa thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

image001.jpg -0
Lực lượng dân phố thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Mang lại lợi ích và phát huy vai trò của nhân dân

Đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân Việt Nam chia sẻ, quy luật của muôn đời đã chỉ ra rằng, có dân là có tất, mất dân là mất hết. Dân là chủ thể của xã hội, nhân dân là chủ thể của dự án Luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Xây dựng Luật và Luật được thông qua, đưa Luật vào cuộc sống cũng chính là để mang lại những lợi ích cho nhân dân, đảm bảo cho nhân dân một cuộc sống bình yên. Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật cũng chính là thể chế hóa vai trò quần chúng nhân dân trong việc đảm bảo ANTT ở cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng khẳng định, dân giám sát, dân thụ hưởng là nền tảng chúng ta xây dựng đạo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.                                         

Còn Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Sỹ Lộc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cũng chia sẻ quan điểm, vấn đề bảo vệ ANTT ở cơ sở là đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra môi trường ổn định phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. ANTT ở cơ sở cũng chính là một trong những thước đo chất lượng cuộc sống, thước đo sự ấm no, hạnh phúc của người dân. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc giữ gìn ANTT ở cơ sở nói riêng, an ninh an toàn xã hội nói chung.

Tại các vụ việc điểm nóng liên quan đến ATTT xảy ra trong thời gian qua tại nhiều địa phương đã cho thấy bài học thực tiễn để chúng ta phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Nếu Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua sẽ mang lại lợi ích cho chính cuộc sống của người dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý quan trọng phát huy vai trò của lực lượng này. Họ chính là nòng cốt, hạt nhân cho phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Nguồn: Báo CAND.

Dẫn nguồn: Phòng PX03
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang