Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 103

Thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Chỉ thị số 33/CT-TTg) và Nghị định số 49/2020/NĐCP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (Nghị định số 49/2020/NĐ-CP), thời gian qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực, góp phần giúp những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương bỏ qua mặc cảm tự ty, ổn định cuộc sống.

  Với chức năng là cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ các Đề án, Chương trình, Kế hoạch về thi hành án hình sự và thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Thi hành án hình sự, Chỉ thị số 33/CT-TTg, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tham mưu UBND cùng cấp thành lập Ban chỉ đạo tại cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.

 Hiện nay, Ban Chỉ đạo tổ chức thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng đã được thành lập tại 10/10 huyện, thành phố và 116/161 xã, phường, thị trấn. Từ đó các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đều đã thống nhất nhận thức, xác định rõ công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện trên các mặt công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Theo Đại tá Hòa Quang Tưng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo tổ chức THAHS và THNCĐ, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, Công an tỉnh Cao Bằng đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án hình sự, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, các ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp trong việc thực hiện các quy định về thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp huyện, cấp xã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, tích cực tham mưu cho UBND cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và Nhân dân trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Vận động quần chúng Nhân dân xóa bỏ định kiến, không kỳ thị, phân biệt, phối hợp với các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù để hỗ trợ, giúp đỡ về việc làm để họ tái hòa nhập, ổn định cuộc sống tại địa phương. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân và người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh; rà soát, lập danh sách, hồ sơ người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội giải quyết cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, trở thành người công dân có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong thời gian qua, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức thi hành án đối với 885 người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân cấp xã đã chỉ đạo Công an cấp xã thực hiện việc mở hồ sơ, sổ sách để quản lý, theo dõi người chấp hành án, phân công cán bộ trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục. Tiến hành việc tổng kiểm kê, điểm danh, kiểm diện toàn bộ người chấp hành án trên địa bàn định kỳ hằng quý để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, trốn tránh việc chấp hành án. Yêu cầu người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật thi hành án hình sự; định kỳ hằng tháng yêu cầu người chấp hành án trình diện, viết bản tự nhận xét, báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Khi người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn xin được vắng mặt ở nơi cư trú mà có lý do chính đáng, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết kịp thời, tạo điều kiện cho những người này đi làm ăn, giải quyết công việc, có thu nhập để ổn định cuộc sống.

Công tác xét giảm thời gian chấp hành án cho phạm nhân và người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn đã được các địa phương quan tâm. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện của Trại tạm giam Công an tỉnh, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an các huyện, thành phố, Hội đồng xét đề nghị giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện của Công an tỉnh đã phân công các thành viên khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục trong việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với từng trường hợp theo danh sách đề nghị xét, giảm, không để xảy ra sai sót. Trên cơ sở đó, lập hồ sơ, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Từ năm 2020 đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 58 phạm nhân, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 35 phạm nhân.

Công tác xét giảm thời gian chấp hành án tại xã, phường, thị trấn cũng đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Vào các dịp lễ, Tết căn cứ quá trình chấp hành án tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã đã tổ chức các cuộc họp xét, đề nghị Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ để đề nghị Tòa án nhân dân cùng cấp xem xét. Trong thời gian quan, Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra Quyết định rút ngắn thời gian thử thách, giảm thời hạn chấp hành án cho 144 người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn.

Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân có đủ điều kiện theo quy định có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù ngay khi vào trại giam để chấp hành án phạt tù, với sự quản lý, giam giữ và giáo dục cải tạo của các trại giam, họ đã quyết tâm học tập, cải tạo, hoàn lương để có cơ hội được hưởng chế độ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Việc được hưởng chế độ xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện không chỉ ghi nhận sự cố gắng cải tạo, rèn luyện, chấp hành tốt các nội quy, quy định tại trại giam của phạm nhân mà còn giúp cho họ sớm có cơ hội được trở về đoàn tụ cùng gia đình và tái hòa nhập cộng đồng; góp phần giảm áp lực cho các cơ sở giam giữ, tạo điều kiện cho các cơ sở giam giữ nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng khi chấp hành xong án phạt tù. Người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn được xét giảm án đã động viên, khuyến khích họ tự giác phấn đấu, tích cực học tập, lao động, chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định thi hành án và nghĩa vụ của mình, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Song song với đó, Công an tỉnh tăng cường tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự, cơ quan, đơn vị có liên quan và Công an cấp xã để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ và kỹ năng trong việc tổ chức quản lý, giám sát người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác thi hành án hình sự đối với cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện, theo dõi công tác quản lý giáo dục người bị kết án; hướng dẫn, kiểm tra công tác xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo; việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại theo quy định của pháp luật…

anh tin bai

Xã Nam Tuấn, huyện Hòa An ra mắt mô hình quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, thu tù trước thời hạn có điều kiện trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng

Ban chỉ đạo tổ chức thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù các huyện, thành phố đã tổ chức các Hội nghị tập huấn về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng cho các đại biểu là lãnh đạo các phòng ban huyện, thành phố, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các xã, phường, thị trấn. Qua tập huấn, nhằm cung cấp thông tin về tình hình kết quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, thảo luận việc thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng như: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân và người chấp hành xong án phạt tù, định hướng nghề nghiệp nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm, cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn, phục vụ cho công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.

Để người chấp hành xong hình phạt trở về địa phương hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội chung của tỉnh. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp triển khai kế hoạch tổ chức phổ biến, giáo dục, giúp đỡ, tuyên truyền sâu rộng nội dung cơ bản của Nghị định 49/CP và Chỉ thị số 33/CT-TTg để Nhân dân hiểu và cùng tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ những mặc cảm, kỳ thị, thành kiến, tạo điều kiện cho họ tìm kiếm việc làm, thực hiện các chính sách, đảm bảo quyền lợi giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, sớm có cuộc sống, công việc ổn định không tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

Ông Hà Việt Kỳ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuân, Tp. Cao Bằng cho biết, thời gian qua, UBND phường đã chỉ đạo công chức chuyên môn phối hợp với Công an phường triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể địa phương tuyên truyền đến hội viên và nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Cung cấp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân các thông tin về Nghị định số 49, góp phần xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong an phạt tù nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia.

Anh N.V.Đ, P. Ngọc Xuân, Tp. Cao Bằng chia sẻ, từ lúc ra trại đến bây giờ, bản thân luôn nhận được sự giúp đỡ của họ hàng, gia đình và địa phương động viên và với sự cố gắng trong 10 năm qua, tôi cũng xây dựng được một quán nhỏ. Nói chung là cái gì cũng thế thôi phải cố gắng và cũng phải là thật sự là chịu khó phấn đấu. Câu chuyện quá khứ cũng chỉ là quá khứ thôi. Hiện tại ai cũng phải sống, phải thật nỗ lực để thay đổi.

 Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương và nhân dân tích cực tham gia công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương cư trú, tái hòa nhập cộng đồng. Thường xuyên theo dõi, giáo dục, quản lý tốt những người tái hòa nhập cộng đồng tại địa bàn; phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để họ chấp hành tốt.

Từ năm 2018 đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối với 2.572 người chấp hành xong hình phạt tù, trong đó có 57 người được đặc xá trở về địa phương cư trú, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý, đảm bảo tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Chỉ đạo sát sao Công an các địa phương trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương nắm tình hình, danh sách số người chấp hành tại xã, phường, thị trấn để tăng cường biện pháp quản lý, cũng như tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời phát hiện, phòng ngừa không để xảy ra các hành vi sai phạm đối với những trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Hiện nay, trong tổng số 1.822 người chấp hành xong án phạt tù còn án tích đang quản lý tại địa phương có 1.203 người có việc làm, chiếm 66,1%; mức thu nhập bình quân trung bình hằng tháng từ 4 triệu đến 10 triệu đồng là 282 người, chiếm 23,4%. Người chấp hành xong án phạt tù có việc làm chủ yếu do người thân, gia đình giúp đỡ, bản thân người chấp hành xong án phạt tù tự tìm kiếm, tạo việc làm, một số người được cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận, giải quyết việc làm. Hiện còn 619 người chấp hành xong án phạt tù chưa có việc làm, chiếm 33,9%.

 Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức THAHS và THNCĐ tỉnh cho biết, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; 03 năm thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ và tổng kết công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2023. Nhìn chung, việc tổ chức thực hiện công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng. UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội vào công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các cấp thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, từ đó, nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và gia đình người chấp hành xong án phạt tù được nâng cao, tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng; từng bước xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ổn định cuộc sống, chủ động phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.  Xây dựng được các mô hình về tái hòa nhập cộng đồng, các mô hình đi vào hoạt động đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Người chấp hành xong án phạt tù sau khi trở về địa phương được hỗ trợ các thủ tục pháp lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

 Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 49 của Chính phủ, Công an các huyện, thành phố đã phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình về tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn bước đầu đem lại kết quả thiết thực. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 06 mô hình trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hình tại địa bàn cấp xã, phường. Đến nay, các mô hình đã đi vào hoạt động và phát huy tốt vai trò trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục, tạo điều kiện đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa bàn. Đồng thời khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận đỡ đầu, quản lý, giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa, tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc tại các cơ sở kinh doanh, tạo việc làm, hỗ trợ vốn để họ làm ăn kinh tế, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người chấp hành xong hình phạt tù được Ban Chỉ đạo tổ chức thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc. Trại tạm giam Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan, ban ngành của địa phương tổ chức các Hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Qua đó, các phạm nhân sắp mãn hạn tù và người chấp hành xong án phạt tù đã được tư vấn, định hướng nghề, giới thiệu việc làm sau khi trở về địa phương cùng thông tin thị trường lao động; Tư vấn về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm; Đào tạo kỹ năng tham gia phỏng vấn, tìm kiếm việc làm và các kỹ năng làm việc khác; Giới thiệu các chương trình, dự án về việc làm cùng các nội dung giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và triển khai Quyết định số 22/2023/QDD-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù cho phạm nhân. 

anh tin bai

Thăm hỏi, động viên người tái hòa nhập về địa phương ổn định cuộc sống

Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, quy định cụ thể 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chương trình tín dụng có tính nhân văn sâu sắc, là “điểm tựa” cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22 là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội. Đối với người chấp hành xong án phạt phải đối mặt với nhiều rào cản cùng những khó khăn, mặc cảm, tự ti về quá khứ, nhất là những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, nguồn vốn tín dụng này sẽ là động lực quan trọng tạo việc làm, giúp họ hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

 Ông Hoàng Văn Tuân, Chủ tịch UBND Xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh cho biết, từ khi quyết định 22 của chính phủ được ban hành được sự chỉ đạo UBND huyện, đặc biệt là Ngân hàng chính sách, địa phương chúng tôi đã phối hợp triển khai rà soát được 30 trường hợp trên địa bàn thuộc diện được vay vốn theo quyết định 22 của Chính phủ. Khi tiếp cận được nguồn vốn vay sẽ tạo điều kiện cho những chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương làm ăn, ổn định cuộc sống.

    Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an Cao Bằng, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật…

 Bên cạnh đó, lực lượng Công an các cấp đã chủ động nắm chắc tình hình, điều kiện, hoàn cảnh của người lầm lỗi, người chấp hành xong án phạt tù, người có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương quan tâm, hỗ trợ họ sớm tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhìn chung người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương chấp hành tốt quy định của pháp luật... Tuy nhiên, một số người người chấp hành xong án phạt tù về địa phương thực hiện chưa nghiêm túc các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, thiếu ý thức phấn đấu, rèn luyện, học tập, lười lao động, mặc cảm cá nhân, chưa thực sự hoàn lương để tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có 277 lượt người chấp hành xong án phạt tù tái phạm bị xử lý hình sự, vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính, chiếm 7,1% tổng số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trên địa bàn tỉnh.

  Đại tá Hòa Quang Tưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số chưa thường xuyên, liên tục; việc phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai công tác này còn chưa đồng bộ, thống nhất. Công tác tư vấn việc làm, định hướng nghề, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh cho người chấp hành xong án phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn.

 Công tác tái hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Làm tốt công tác này sẽ giúp cho người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, sống lương thiện, đồng thời góp phần tích cực vào việc ngăn chặn tội phạm nói chung và tình trạng tái phạm tội đố với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng.

Sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân cùng quan tâm, phối hợp với gia đình, người thân của người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tạo môi trường xã hội lành mạnh, xóa bỏ mặc cảm, tự ti giúp họ tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Những nội dung cụ thể có liên quan đến thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác tái hòa nhập cộng đồng được đông đảo Nhân dân nắm vững, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú. Đặc biệt đã hạn chế được tỷ lệ và số người tái phạm, vi phạm pháp luật, hạn chế những vấn đề xã hội khác có liên quan đến người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng. Như vậy, thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội khác ở địa phương, giảm tỷ lệ tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

Để bảo đảm an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường an toàn, lành mạnh phục vụ hiệu quả, thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh xác định phương hướng, giải pháp trọng tâm trong công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng thời gian tới như sau:

- Công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, xuyên suốt của Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương; sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 49/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ; Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố phải rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công trong công tác thi hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Chú trọng công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề cho người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương.

- Quan tâm xây dựng, củng cố, nhân rộng hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, gắn với trách nhiệm, điều kiện, khả năng của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, tổ chức đoàn thể, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, người có lòng hảo tâm để các mô hình hoạt động ổn định, hiệu quả.

- Tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, phòng ngừa tái phạm, phạm tội mới, vi phạm pháp luật. Quan tâm thực hiện công tác xét miễn, giảm thời gian chấp hành án cho người chấp hành án; miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự, các khoản thu nộp ngân sách nhà nước; việc thực hiện các quy định về xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù và chấp hành xong án phạt tại xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, qua đó tuyên truyền, nhân rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, thúc đẩy phong trào phát triển, phục vụ cho các hoạt động về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có hiệu quả.

Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng, nhất là Luật thi hành án hình sự và Nghị định 49 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giúp người lầm lỡ hoàn lương vượt qua mặc cảm, tự ty, vươn lên trong cuộc sống.

 

 

Thực hiện: Gia Hưng
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang