Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 130

Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm này, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con người", bảo vệ "an ninh con người", góp phần đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh mà nòng cốt là Phòng Cảnh sát hình sự đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với công tác đấu tranh, tấn công trấn áp quyết liệt tội phạm mua bán người, qua đó góp phần bảo đảm tốt an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh. Thường xuyên mở các đợt cao điểm để tập trung nắm tình hình, điều tra xử lý các đối tượng, đường dây mua bán người và tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

anh tin bai

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh họp triển khai cao điểm điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người được thực hiện trong thời gian là 3 tháng (từ 1/7 đến 30/9/2024)

Tuy nhiên, qua công tác dự báo, nắm tình hình, thực tế trên địa bàn tỉnh, tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và liên quan đến địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí có yếu tố nước ngoài và trên không gian mạng. Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người thời gian qua, có thể xác định nạn nhân mà bọn buôn người nhắm tới thường là những người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng, nhiều thanh niên, phụ nữ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên đã trở thành nạn nhân trong các đường dây buôn người và bị cưỡng bức lao động; ép buộc làm việc trong các đường dây tổ chức tội phạm đánh bạc, lừa đảo qua mạng.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tội phạm mua bán người. Tuy nhiên chỉ tính riêng trong năm 2023, đơn vị đã khởi tố 5 vụ, 11 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động mua bán người.

 

anh tin bai

Đối tượng Nguyễn Thị Nguyệt Hòa

Nổi bật trong các vụ án mua bán người được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh triệt phá thành công là Chuyên án 623M, giải cứu hai phụ nữ từ Myanmar về Việt Nam; bắt giữ bốn đối tượng: Nguyễn Thị Nguyệt Hòa (sinh năm 1998) cùng chồng là Đồng Văn Mạnh (sinh năm 1996) cùng ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Hoàng Văn Sơn (sinh năm 2006), ở xã Thượng Hà và Nhàn Văn Dũng (sinh năm 2005), ở xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc.

Trước đó, tháng 6/2023, anh trai nạn nhân H.T.V (sinh năm 2007), ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, trình báo việc em gái đã liên lạc qua Zalo, kêu cứu vì bị lừa bán sang Myanmar, phải làm việc với cường độ cao, không được trả lương. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã báo cáo cấp trên và khẩn trương huy động lực lượng xác minh, làm rõ; phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an giải cứu nạn nhân.

Trong vụ án, đối tượng Nguyễn Thị Nguyệt Hòa là chủ mưu, đã dụ dỗ, bán ba thiếu nữ: H.T.V (sinh năm 2007), ở huyện Bảo Lạc; L.T.V (sinh năm 2008) và Đ.H.T ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang sang Myanmar. Trong vụ án, hai đối tượng Hoàng Văn Sơn và Nhàn Văn Dũng đã kết nối qua mạng xã hội, rủ thành công ba thiếu nữ về làm việc tại quán karaoke của Hòa ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Sau đó, ba thiếu nữ bị Hòa bán sang Myanmar.

Không chỉ mua bán phụ nữ, người chưa thành niên, mà vì lợi nhuận, các đối tượng còn sẵn sàng mua bán cả trẻ sơ sinh. Tháng 2/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phá thành công Chuyên án CB1023P, triệt phá đường dây, tổ chức mua bán người dưới 16 tuổi từ các tỉnh Tây Nam Bộ qua biên giới tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc.

Cụ thể, vào ngày 26/10/2023, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả. Quá trình sàng lọc, khai thác nhanh, lự lực lượng chức năng phát hiện cháu Nguyễn Thị Kim Oanh (sinh năm 2011, trú tại ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) có dấu hiệu nghi vấn là nạn nhân bị mua bán.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Công an tỉnh xác lập Chuyên án CB1023P để đấu tranh, làm rõ hành vi của các đối tượng trong đường dây mua bán người này.

Qua đấu tranh, điều tra, xác minh, Ban Chuyên án đã khởi tố vụ án, bắt giữ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật 4 đối tượng là Nguyễn Thị Lài (sinh năm 1997, trú tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), Trần Thị Lợi (sinh năm 1957), Lê Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1985) cùng trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ và đối tượng Triệu Thành Long (sinh năm 1994, trú tại huyện Thanh Điền, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).

anh tin bai

Tổng kết Chuyên án CB1023P, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phá chuyên án

Song song với đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng tỉnh tích cực trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động của tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng, nhất là các thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người được hai đơn vị tiến hành thường xuyên; trao đổi theo định kỳ, đột xuất, thông qua giao ban 3 lực lượng: Công an, Quân Sự, Biên phòng (theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ). Bên cạnh đó, phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, cửa khẩu, các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tại các vùng biên giới cũng như tại các địa bàn, tuyến phức tạp tích cực tham gia các phong trào bảo vệ ANTT, phát hiện tố giác các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em dưới mọi hình thức để mua bán người, góp phần nâng cao hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, ổn định an ninh, trật tự tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu.

anh tin bai

Công an tỉnh thường xuyên phối hợp, trao đổi với lực lượng Biên phòng trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Kường, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, từ năm 2023 đến nay, Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh xác lập và đấu tranh thành công hai chuyên án, giải quyết 02 nguồn tin về tội phạm, bắt giữ khởi tố 04 vụ án, bắt giữ 08 đối tượng về phạm tội mua bán người.

anh tin bai

 

anh tin bai

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tuyên truyền, phát tờ rơi cho người dân dấu hiệu nhận biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người

Trong thời gian này, Công an tỉnh đang triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người được thực hiện trong thời gian là 3 tháng (từ 1/7 đến 30/9/2024), chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả; duy trì thường xuyên công tác trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng yếu, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp; tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quyết không để tội phạm mua bán người câu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, liên quốc gia.

Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã thực hiện tốt các kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người của Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, của tỉnh; của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và Công an tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt trong thời gian này, Phòng Cảnh sát hình sự đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ giải pháp như, làm tốt công tác điều tra cơ bản trên địa bàn tỉnh; chủ động nắm tình hình tội phạm mua bán người, đồng thời rà soát, lập danh sách số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không có lý do, nghi bị bán để tập trung xác minh làm rõ; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mua bán người; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; phát huy vai trò của văn phòng liên lạc biên giới BLO để trao đổi thông tin phòng, chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia và có yếu tố nước ngoài…

anh tin bai

Tuyên truyền cho người dân để phòng, chống tệ nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa

Có thể thấy, công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là đối với địa phương có đường biên giới dài như tỉnh Cao Bằng. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Khi phát hiện tội phạm mua bán người hoặc các trường hợp nghi vấn mua bán người, đề nghị Nhân dân chủ động báo với cơ quan chức năng nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời./.

    

 

      Thực hiện: Gia Hưng, Hoàng Tiến
Tin khác
1 2 
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang