Việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết dựa trên nhiều căn cứ, cụ thể:
Về cơ sở chính trị, dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân, an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số. Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vấn đề này, theo hướng bảo đảm an ninh mạng, lấy con người, trí tuệ con người làm trung tâm, là nhân tố quyết định, hoàn thiện hành lang pháp lý trong bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bảo vệ dữ liệu cá nhân được tiến hành song song, đồng thời với sự phát triển kinh tế, xã hội, đi liền với tất cả các khâu, quá trình nhưng phải đảm bảo không hạn chế sự phát triển, đổi mới và sáng tạo.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định quan điểm “...lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” với mục tiêu “Hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nêu quan điểm chỉ đạo “3. Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm"”.
 |
Ảnh minh họa. |
Về cơ sở pháp lý, ngày 02/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 174/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024, trong đó Chính phủ “thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội. Ngày 11/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/2024/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong đó, bổ sung dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Bên cạnh đó, thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều vấn đề như: hạn chế, bất cập của quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ dữ liệu cá nhân; những vấn đề mới phát sinh về bảo vệ dữ liệu cá nhân đặt ra yêu cầu giải quyết thông qua việc ban hành Luật; hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phát triển kinh tế xã hội, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh có liên quan tới dữ liệu cá nhân.
Từ những cơ sở nêu trên cho thấy, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng, có quá trình và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, bắt đầu từ khi khảo sát xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân (năm 2019) đến khi Nghị định có hiệu lực và triển khai trên thực tiễn.