Công an tỉnh: Triển khai luật căn cước đi vào thực tiễn, đồng bộ, hiệu quả
Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 với nhiều điểm mới, tác động trực tiếp đến người dân. Để triển khai có hiệu quả Luật Căn cước, Công an tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, trang thiết bị, trong đó tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân để Luật sớm đi vào cuộc sống.
Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua có những điểm mới đáng chú ý, cụ thể: Thẻ Căn cước công dân (CCCD) sẽ được gọi tên mới là thẻ Căn cước, chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người. Người dân đang có thẻ CCCD cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng. Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.
Công an tỉnh tập huấn cho lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các huyện, thành phố về thu nhận hồ sơ Căn cước mới
Bên cạnh đó, người dưới 14 tuổi từ ngày 01/7/2024 có thể được cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu. Một điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật CCCD, đó là bổ sung thêm Giấy chứng nhận căn cước. Đây là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.
Từ ngày 01/7/2024 tới đây, công dân sẽ có Căn cước điện tử. Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử. Một điểm mới, rất đáng chú ý, đó là dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện. Ngoài ra, sẽ bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước. Thông tin tích hợp vào thẻ Căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định…
Với tinh thần chủ động, tích cực, là cơ quan Thường trực, Công an tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 482/KH-UBND, ngày 04/3/2024 về việc triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Tiếp đó, Công an tỉnh có Kế hoạch số 1389/KH-CAT-PC06, ngày 10/4/2024 về việc triển khai thi hành Luật Căn cước trong Công an tỉnh Cao Bằng. Theo đó, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến Luật Căn cước cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Tham gia xây dựng, triển khai thực hiện các văn bản thi hành Luật Căn cước; tổ chức thi hành nghiêm túc các quy định mới, sửa đổi bổ sung của Luật Căn cước; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân cho công dân. Đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước, Căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp trên các hệ thống cơ sở dữ liệu...
Tính đầu năm đến nay (số liệu tính đến ngày 03/6/2024), Công an tỉnh đã thu nhận 15.776 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử, cấp 46.663 hồ sơ tài khoản định danh điện tử và kích hoạt thành công 32.774 hồ sơ tài khoản định danh điện tử.
Tập huấn nghiệp vụ quản trị vận hành hệ thống cấp, quản lý Căn cước cho lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an các huyện, thành phố
Thượng tá Nguyễn Trung Hòa, Trưởng phòng Cảnh sát QL về TTXH Công an tỉnh cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp Ban Giám đốc về công tác triển khai thi hành Luật Căn cước và vai trò Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh. Đơn vị đã tham mưu cho Ban Giám đốc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước, trong đó giáo nhiệm vụ cụ thể, xây dựng lộ trình, nội dung, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị triển khai thực hiện. Tuyên truyền phổ biến pháp luật về Căn cước, định danh và xác thực điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức choc cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội các cấp, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của Luật Căn cước với đời sống xã hội, đặc biệt là tập trung tuyên truyền về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước năm 2023; mục đích, quan điểm chỉ đạo; 10 điểm mới của Luật Căn cước 2023, để từ đó giúp người dân hiểu rõ và xác định được những thay đổi nội dung mới trong Luật Căn cước; Triển khai Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng nghiệp vụ Luật Căn cước cho các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Công an cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bằng; tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền cho “tiểu giáo viên” để tuyên truyền các cấp trên địa bàn về Luật Căn cước năm 2023; tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Luật Căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã đề nghị Công an các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an các xã tiến hành rà soát thống kê số công dân có hộ khẩu thường trú, tạm trú trên địa bàn có độ tuổi từ 0 đến 14 tuổi để có cơ sở tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh, UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Căn cước có hiệu quả.
Để Luật Căn cước đi vào thực tiễn trong đời sống xã hội, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến, giới thiệu nội dung quy định của Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh, các trang fanpage của Công an các đơn vị, địa phương; phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung quy định của Luật Căn cước để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 1/7/2024, sinh trắc học mống mắt sẽ được thu thập tại cơ quan Công an
Theo Đại tá Hòa Quang Tưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, Luật Căn cước có hiệu lực sẽ là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo mục tiêu Đề án 06 của Chính phủ. Để triển khai thi hành Luật Căn cước, với vai trò, nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và trong Công an tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho công an các đơn vị nhằm bảo đảm Luật Căn cước được thi hành đúng tiến độ, hiệu quả. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là phối hợp, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Căn cước; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý căn cước, báo cáo viên pháp luật về Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Căn cước; bảo đảm điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ trong triển khai thi hành Luật căn cước như là trang cấp thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai thu nhận mống mắt, tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng thông tin sinh trắc về ADN, giọng nói, mống mắt theo quy định của luật. Đến thời điểm hiện tại, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cấp căn cước, Giấy chứng nhận căn cước thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an các huyện, thành phố đã được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm kịp thời đảm bảo triển khai thực hiện các hạng mục của Luật Căn cước, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn để giải quyết kịp thời các kiến nghị, thắc mắc của người dân liên quan đến việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định.

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền về 10 điểm mới của Luật Căn cước cho công dân
Luật Căn cước có hiệu lực thi hành sẽ là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số theo mục tiêu Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện có liên quan khác, Công an Cao Bằng quyết tâm hoàn thành các nội dung của luật theo đúng thời gian quy định để Luật Căn cước sớm đi vào thực tiễn./.