Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê: Xác định rõ hơn trách nhiệm, quyết tâm thực hiện Đề án số 02 và 19 của Tỉnh ủy
Lượt xem: 293

Chiều 15/3, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đề án số 02-ĐA/TU và Đề án số 19-ĐA/TU của Tỉnh ủy tổ chức họp trực tuyến với các huyện, Thành phố đánh giá tình hình, kết quả thực hiện 2 đề án, bàn biện pháp, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện 2 đề án trong thời gian tiếp theo. Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì.

Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 25/6/2021 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 - 2025, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã hoàn thành việc phân công, kiện toàn đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng; có kế hoạch nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trong giai đoạn 2021 - 2025.

 

Năm 2021, xuất bản và phát hành cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng”; hoàn thành bản thảo cuốn sách: “Địa lý - Lịch sử tỉnh Cao Bằng” (tài liệu dùng cho các trường phổ thông tỉnh Cao Bằng), hiện nay đang làm các quy trình, thủ tục in ấn, phát hành. Cấp huyện và tương đương hoàn thành việc biên soạn, xuất bản, phát hành các cuốn“Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Cao Bằng (1947 - 2020)”, “Lịch sử Đảng bộ Công an tỉnh Cao Bằng (1945 - 2020)”. Về lịch sử đảng bộ các xã, phường, thị trấn, đã tiến hành khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn 5 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã.

Nhìn chung, các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ thông tin; trước khi in ấn, xuất bản đều được thông qua các cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý và được cấp có thẩm quyền thẩm định bảo đảm đúng quy trình. Nội dung bản thảo bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, kết cấu hợp lý, rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần quan trọng vào việc tổng kết thực tiễn, giáo dục truyền thống cách mạng; đánh giá đúng những thành tích và kết quả đạt được trong các giai đoạn lịch sử. Các cuốn sách biên soạn chú ý tổng kết thực tiễn, bài học kinh nghiệm; có kết cấu hợp lý, góp phần phục vụ công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng.

Thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU của Tỉnh ủy về “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025”, công tác tuyên truyền giáo dục năm 2021 tiếp tục bám sát các nội dung trọng tâm đề ra, cơ bản bao quát các nội dung chỉ đạo. Cùng với việc phối hợp các hình thức tuyên truyền truyền thống, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh xây dựng, ứng dụng các hình thức tuyên truyền mới nhằm tăng tính hấp dẫn, nâng cao hiệu quả tuyên truyền. 100% chi bộ Đảng trong các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, tư tưởng thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, các cuộc họp cơ quan, đoàn thể, trong đó việc sử dụng, phát huy các xuất bản phẩm, bộ công cụ của đề án trong hoạt động tuyên truyền được nhiều địa phương, đơn vị chú trọng.

Các nội dung của đề án được các cấp ủy, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, cụ thể hóa trong các hội nghị báo cáo viên, đợt sinh hoạt chính trị của các cấp ủy, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ngành giáo dục và đào tạo hướng dẫn các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các nội dung tuyên truyền, giáo dục bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng phát huy vai trò là kênh truyền thông đại chúng trọng yếu trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh, cơ bản hoàn thành các nội dung nhiệm vụ được giao của đề án trong năm 2021. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền qua bản tin, ấn phẩm nội bộ, trang thông tin điện tử, mạng xã hội. 100% cơ quan, đơn vị có ấn phẩm, trang tin điện tử, tài khoản mạng xã hội có kế hoạch đăng tin, bài tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống...

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về: Dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 19 năm 2022 cần định hình rõ nhiệm vụ cụ thể, xác định nội dung cụ thể từng hình thức, phương pháp tuyên truyền để tính đồng bộ trong triển khai rõ hơn; tích hợp đề án bảo tồn dân ca vào Đề án số 19; vấn đề kinh phí để thực hiện Đề án số 02; khó khăn trong việc sưu tầm tư liệu về lịch sử đảng bộ cấp xã trong một số giai đoạn; hạn chế sưu tầm tư liệu trong việc triển khai xuất bản ấn phẩm; nâng cao chất lượng bản thảo; công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống ở các trường học (về bổ sung nguồn tài liệu, kinh phí); phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc thực hiện Đề án số 02... 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Việc thực hiện 2 đề án này rất quan trọng vì cùng với nguồn lực vật chất, chúng ta coi đây chính là nguồn lực tinh thần để thúc đẩy thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp để tỉnh ta phát triển đi lên. Do vậy cần huy động cả hệ thống chính trị cùng ra sức thực hiện 2 đề án này.

Thời gian qua, các địa phương, đơn vị, cơ sở có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện 2 đề án với sự quyết tâm lớn, sự chủ động, cách làm sáng tạo. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, một số đơn vị còn lúng túng trong triển khai thực hiện, nhận thức chưa sâu, chưa quyết tâm lớn và chưa thấy rõ tầm quan trọng của 2 đề án. Để việc triển khai thực hiện 2 đề án này trong thời gian tới hiệu quả rõ nét hơn, cần xác định nhiệm vụ tiếp theo từ BCĐ cấp tỉnh đến các huyện, Thành phố và cấp cơ sở, trong đó, cần xác định rõ hơn trách nhiệm, quyết tâm thực hiện của từng BCĐ, từng thành viên BCĐ ở từng đơn vị, địa phương. Từng đơn vị, địa phương, kể cả cấp cơ sở rà soát, kiện toàn ngay BCĐ, tổ giúp việc, tổ sưu tầm, tổ thẩm định…

Về Đề án số 19, tập trung vào việc tuyên truyền, phát huy, khai thác, đặc biệt ở cấp cơ sở. Các đơn vị, địa phương, đặc biệt ở cấp huyện và cấp cơ sở tập trung vào 3 trọng tâm: tuyên truyền cái gì (tuyên truyền đậm nét bản sắc văn hóa, bề dày truyền thống; quảng bá tiềm năng, lợi thế của địa phương…); cách tuyên truyền (đa dạng hóa, làm thường xuyên); ai tuyên truyền (nếu làm tốt, mỗi người dân đều có thể trở thành tuyên truyền viên).

Đối với Đề án số 02, thời gian tới tập trung vào cấp cơ sở mạnh mẽ hơn, phấn đấu đến năm 2025 không để xã nào không cập nhật tư liệu lịch sử. Trước mắt, các xã thực hiện ngay việc cập nhật, sưu tầm tư liệu, không để tư liệu thất thoát. Phát huy tinh thần “4 tại chỗ” (con người tại chỗ, kinh phí tại chỗ, nghiên cứu tại chỗ, chỉ đạo tại chỗ). Đảm bảo chất lượng kiểm định, kiểm soát ấn phẩm.

BCĐ cấp tỉnh, các huyện, cấp cơ sở của 2 đề án tăng cường kiểm tra, đôn đốc để thúc đẩy 2 đề án đi vào thực chất và tiến triển nhanh hơn.

(Theo Báo Cao Bằng)

Dẫn nguồn: Gia Hưng
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang