Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập địa giới hành chính và cập nhật thông tin trên ứng dụng VNeID
Lượt xem: 497

Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức có hiệu lực. Theo đó, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Thực tế, theo các quy định hiện hành và tiến độ số hóa dữ liệu dân cư, những thông tin về địa giới hành chính, nơi đăng ký thường trú, đăng ký khai sinh, quê quán... của công dân sẽ được hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư tự động cập nhật, thay đổi kể từ khi có quyết định sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính. Người dân hoàn toàn không cần phải tự mình thực hiện các thao tác khai báo hay cập nhật nào thêm trên ứng dụng VNeID hay bất kỳ nền tảng nào khác liên quan đến việc này.

Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền hai cấp đi vào hoạt động cùng với sự phổ biến và vai trò ngày càng tăng của ứng dụng VNeID trong đời sống, các đối tượng lừa đảo đã đưa ra phương thức, thủ đoạn mới. Chúng gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi giả mạo, hoặc phát tán thông tin trên mạng xã hội với nội dung khẳng định rằng “tất cả các thông tin cư trú mới trên ứng dụng VNeID của công dân sẽ được tự động cập nhật, nhưng cần sự xác nhận hoặc thao tác từ người dân thông qua một đường link”. Đây là một phương thức đánh vào tâm lý người dân muốn cập nhật thông tin cá nhân chính xác, phù hợp với các quy định mới, đồng thời tạo ra cảm giác lo lắng, sợ bỏ lỡ.

Ngoài ra, những ngày đầu sau sáp nhập chính quyền xuất hiện trào lưu “khoe” địa danh hành chính mới sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố và xã phường bằng cách chụp ảnh phần thông tin cá nhân trong ứng dụng VNeID rồi đăng tải lên mạng xã hội. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin quan trọng như số căn cước công dân, địa chỉ nơi ở, số điện thoại…, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

 

anh tin bai

 

Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập địa giới hành chính và cập nhật thông tin trên ứng dụng VNeID

 

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: Gọi điện bằng thuê bao di động thông thường hoặc tổng đài ảo giả mạo cơ quan Công an, cán bộ thực hiện định danh VneID,… thông báo về việc thay đổi bộ máy hành chính, đề nghị người dân cập nhật thông tin mới. Các đối tượng đã thu thập thông tin cá nhân của người dân từ trước và đưa ra để tạo niềm tin trước khi yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn của chúng.

Đối tượng yêu cầu người dân truy cập vào đường dẫn do chúng cung cấp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID, dịch vụ công giả mạo có chứa mã độc. Sau khi người dân đã truy cập hoặc cài đặt ứng dụng, chúng đã chiếm quyền điều khiển thiết bị, tiếp tục dẫn dụ người dân làm theo hướng dẫn để tìm cách lấy mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc dụ người dân nhìn vào điện thoại nhằm lấy dữ liệu sinh trắc học, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.

Lợi dụng tâm lý thiếu hiểu biết, hoang mang: Đối tượng thường lợi dụng sự thiếu cập nhật thông tin của người dân về các chính sách mới, đồng thời tạo ra cảm giác hoang mang, sợ bị ảnh hưởng quyền lợi (ví dụ: đe dọa bị phạt, tài khoản bị khóa...) để thúc ép nạn nhân làm theo hướng dẫn của chúng.

Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Cao Bằng khuyến cáo người dân thực hiện một số nội dung sau:

1. Người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu qua điện thoại của các đối tượng gọi điện tự xưng là cơ quan chức năng hoặc bất kỳ chính sách nào qua điện thoại hoặc tin nhắn từ số lạ. Mọi thông tin cư trú liên quan đến việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính đều do hệ thống tự động cập nhật và thay đổi. Công dân không cần phải làm gì thêm. Nếu người dân cần cập nhật thông tin phải ra trực tiếp Công an xã/phường nơi mình sinh sống.

2. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm (số CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu,...) qua điện thoại, tin nhắn hoặc các đường link không rõ nguồn gốc.

3. Tuyệt đối không truy cập các đường link lạ. Bất kể tin nhắn có nội dung gì, hấp dẫn hay khẩn cấp đến mức nào, nếu là đường link lạ không ấn vào và hỏi những người xung quanh để được giúp đỡ giải đáp.

4. Trường hợp người dân đã truy cập đường dẫn hoặc cài ứng dụng chứa mã độc, ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản và tắt nguồn điện thoại, không để các đối tượng có cơ hội lấy được mã OTP ngân hàng hoặc dữ liệu sinh trắc học.

5. Trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

6. Tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè, người thân cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn trên.

 

Thực hiện: Gia Hưng
Tin khác
1 2 
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang