“LIỀU THUỐC” NÂNG CAO “SỨC ĐỀ KHÁNG”, “TỰ MIỄN DỊCH” CHO CÔNG DÂN MẠNG TRONG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY
Lượt xem: 320
Thời gian qua, mạng xã hội tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, là một trong những công cụ mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tối đa để hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tình hình đó đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng nói chung, trên mạng xã hội nói riêng. Vậy đâu sẽ là “liều thuốc” để nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” cho công dân mạng trong công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay?

       Bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet, mạng xã hội kết nối vạn vật đã tạo điều kiện truyền tải thông tin với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của con người. Trên thế giới, với sự phát triển như vũ bão và sức ảnh hưởng ngày càng lan rộng, các trang mạng xã hội đã và đang được coi là quyền lực thứ 5, sau 4 quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí. Tại Việt Nam, mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng chóng mặt, là một trong những công cụ mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tối đa để hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tình hình đó đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng nói chung, trên mạng xã hội nói riêng. Trong Báo cáo gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, Jon Aloisi (cựu Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) từng viết: “Thành công lớn nhất là đã thực hiện việc đưa vào Việt Nam mạng lưới internet. Đó là phương tiện hữu hiệu cho chiến dịch truyền bá các tư tưởng phương Tây nằm trong chiến lược nhằm thay đổi chính thể ở quốc gia này”[1]. Vậy, làm sao để giữ vững trận địa không gian mạng, khai thác, phục vụ tối ưu cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà vẫn bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc?

Những năm gần đây, mạng xã hội có sự phát triển nhanh chóng, có sức lan tỏa đến mọi tầng lớp Nhân dân

       Trong bối cảnh hiện nay, truyền thông xã hội lan tỏa nhanh chóng và có tính tương tác cao giữa những người tham gia, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin cạnh tranh với các hãng thông tấn báo chí, khiến cho việc định hướng dòng dư luận phức tạp hơn trước đây rất nhiều. Nếu như ở những thập kỷ trước, chưa có sự bùng nổ của các mạng xã hội, cơ quan làm văn hóa tư tưởng có thể dễ dàng dùng báo chí định hướng dư luận một cách chính thống. Nhưng ngày nay, với hàng chục triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam, chỉ cần 1% trong số đó xuất hiện với tư cách “người đưa tin” hay “nhà báo công dân” ở mọi lúc mọi nơi thì đã gấp hơn 2 lần lượng nhà báo có thẻ hiện nay. Do đó, khối thông tin đồ sộ trên các mạng xã hội khó có tờ báo nào, nhất là báo in, có thể sánh kịp về góc độ nhanh nhạy, chi tiết và chứa đựng góc nhìn đa chiều. Trong hàng triệu “nhà báo công dân” đó, nếu có nhóm bất mãn chế độ, tinh vi gây nhiễu thông tin bằng tin giả (Fake news) với dụng ý đầu độc dư luận sẽ gây tác hại khôn lường khi không ai kiểm chứng nổi, và cũng không kiểm soát được độ chia sẻ, lan truyền. Thực tế đó cho thấy, cuộc đấu tranh địch - ta trên không gian mạng của trận địa tư tưởng tuy thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt hơn. Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là công tác trường kỳ. Chúng ta cũng cần khách quan, nhìn nhận nó theo hướng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại, chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Nhận thức như vậy, để thấy, chúng ta trong môi trường thông tin số cần phải “sống chung với lũ”, thích ứng với nó và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài là tư duy đúng đắn nhất. Tư duy đó cần phải được mọi cán bộ, đảng viên, Nhân dân với tư cách công dân mạng trong thời đại 4.0 hiểu đúng và đủ, chỉ có hiểu đúng và đủ mới giúp chúng ta có chiến lược, có giải pháp khả thi, hữu hiệu để đẩy lùi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch trong phát tán thông tin thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.

       Bên cạnh đó, chúng ta đều biết rằng, con người nếu khỏe mạnh, cường tráng, có đủ sức đề kháng từ bên trong cơ thể thì sẽ có thể “tự miễn dịch” với nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy, “liều thuốc” cốt lõi, lâu dài để nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” cho công dân mạng trong công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng nói chung, trên mạng xã hội nói riêng hiện nay chính là cung cấp thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức giúp cộng đồng mạng có đủ thông tin, tri thức, đủ năng lực, đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, xấu - tốt, từ đó, tăng cường sức đề kháng, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Có thể nói đây là giải pháp bền vững nhất để đẩy lùi, giảm thiểu các tác hại từ những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên mạng xã hội hiện nay. 

        Vậy đâu là yếu tố tạo nên “liều thuốc” cốt yếu mà tôi đã nói ở trên? Đó chính là:

       Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng mạng về thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc tận dụng các tiện ích, công nghệ mới của Internet, đặc biệt là mạng xã hội để phát tán các thông tin sai trái, thù địch, lôi kéo sự tò mò của công dân mạng, nhất là lớp trẻ tham gia đối thoại trực tiếp, bình luận, dẫn dắt thông tin theo ý đồ xấu.

       Thực tế trong thời gian qua đã có không ít thông tin thông qua các tiện ích, công nghệ mới, hiện đại trên các nền tảng mạng xã hội đã gây hoài nghi, hoang mang trong quần chúng Nhân dân, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, sa sút niềm tin đối với vai trò lãnh đạo của Đảng… Chính vì vậy, các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền (tuyên giáo, báo, đài) cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cảnh giác cao độ với âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia mạng xã hội;… Nhận thức của Nhân dân được đúng đắn thì “sức đề kháng”, khả năng “tự miễn dịch” với các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch mới được khai thông, phát huy hết mức có thể.ơ

       Thứ hai, nâng cao vai trò, vị thế của báo chí chính thống, xóa bỏ tình trạng “báo hóa” hiện nay. Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội.

       Nhiệm vụ của báo chí chính thống là tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm sai trái; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân - với tư cách công dân mạng có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ thế nào là quan điểm sai trái, thế nào là quan điểm thù địch. Báo chí chính thống cần trang bị tri thức cho cộng đồng mạng nhận diện rõ mục tiêu của các thế lực phản động là nhằm làm tan rã niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, kích động nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hòng chuyển hóa chế độ. Làm rõ phương thức, thủ đoạn mới nhất hiện nay của chúng. Đó là triệt để lợi dụng những “khuyết tật”, yếu kém, tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ đại án lớn hiện nay để xuyên tạc, nói xấu Đảng, chế độ ta. Thủ đoạn của chúng là viện cớ những yếu kém, tiêu cực đó để “bình luận”, tham chiếu, coi đó là nguyên nhân, hệ lụy của việc níu kéo, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin lỗi thời, lạc hậu vào con đường phát triển của Việt Nam. Cũng từ đó, các tổ chức phản động ở nước ngoài tung hứng, ra yêu sách đòi Đảng ta từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đòi đa nguyên, đa đảng.

       Bên cạnh đó, báo chí cần tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 35 NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã chỉ ra. Đó là tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao “sức đề kháng”, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

       Hệ thống mạng xã hội của Việt Nam tuy mới ra đời nhưng đã có sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng mạng. Vì vậy, cần có định hướng rõ ràng để các mạng xã hội có thế mạnh vào cuộc, tham gia một cách chủ động trong gợi mở, định hướng, dẫn dắt và chi phối thông tin  tích cực trên mạng xã hội. Ngoài mạng xã hội VCNet, Mocha, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, quy định rõ các chủ thể của các mạng xã hội như Zing.me, Lotus, Nhaccuatui có trách nhiệm trong thông tin mặt tích cực của đời sống xã hội. Đây là cách tốt nhất để thực hiện phương châm “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, nhằm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc, sai trái, thù địch.

       Thứ ba, tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử; cần có văn bản có tính pháp lý, quy định rõ trách nhiệm bắt buộc của các cơ quan báo chí tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để các thế lực thù  địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ.

       Xây dựng hệ thống tổ chức đấu tranh chống quan điểm sai trái trên không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng từ trung ương đến cấp tỉnh, thành phố nhằm tăng cường lãnh đạo quản lý nhà nước đối với công tác này. Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của hệ thống báo điện tử hiện nay. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, quản lý chặt chẽ hệ thống báo chí; có văn bản quy định riêng phù hợp với thực tiễn hoạt động của hệ thống báo điện tử, tạo thành hệ thống pháp luật quy định đối với hoạt động của loại hình này. Bên cạnh đó, cần xác định rõ và tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, cũng như đối tượng độc giả của mình, xây dựng cơ cấu, hệ thống tổ chức, số lượng chuyên mục, trang chuyên đề, nội dung, lĩnh vực, phạm vi phản ánh… cho phù hợp; quản lý chặt chẽ việc đăng ký, cấp phép hoạt động của hệ thống báo điện tử. Xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên thông tin, quản lý tên miền, bản quyền tên và thiết kế báo, bảo đảm an ninh và an toàn mạng đối với hệ thống báo điện tử.

       Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Đảm bảo để đội ngũ những người làm báo có năng lực chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, vừa có đạo đức trong sáng, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn có ý chí chiến đấu bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng tổ chức chuyên trách với lực lượng nòng cốt là các chuyên gia, các nhà lý luận về tư tưởng chính trị chuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên mạng Internet, bao gồm các chuyên gia giỏi về lý luận, những cây bút sắc bén, am hiểu và ứng dụng tốt công nghệ thông tin

       Thứ tư, toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị; cần sớm có chủ trương, giao các cấp ủy Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ban hành quy tắc tham gia mạng xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… khi tham gia mạng xã hội. Quy định rõ nhiệm vụ của đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch. Ban hành nghị định với các chế tài cụ thể đối với các hành vi đồng phạm, chủ động phát tán, a dua nói xấu Đảng, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

       Thứ năm, các cơ quan chức năng cần tạo cơ chế, khuyến khích việc thành lập các tổ chức dưới dạng tự nguyện xung kích, đấu tranh trên mạng xã hội để khuyến khích tinh thần yêu nước, dũng cảm, tích cực tham gia của học sinh, sinh viên, thanh niên./.

[1]. Tạp chí Công an nhân dân, kỳ 2 tháng 02/2013, tr. 30.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết số 35/NQ-TW, ngày 22/10/2018 về “Tăng cường sự bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

 2. Mai Yến Nga (2020), Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, Hà Nội.

3. Vũ Văn Hiền (2021), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

XƯƠNG RỒNG XỨ THANH
Tin khác
1 2 3 4 5 
image advertisement

Thông tin mới nhất

Hoi dap

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang